Đến Côn Đảo là đến với nhiều những truyền thuyết và sự linh thiêng trong đó miếu Cậu ( hay miếu hoàng tử Cải ) là một trong những điểm đến tâm linh mà khách thăm quan đi Côn Đảo không nên bỏ qua.
Câu hát: “ Gió đưa cây Cải về trời - Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay ” là câu hát nói về một câu chuyện buồn về truyền thuyết miếu Cậu.
Giới thiệu chung
Miếu Cậu là nơi thờ Hoàng tử Hội An thường được gọi là Hoàng tử Cải, con trai của chúa Nguyễn Ánh và bà thứ phi Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm. Miếu Cậu nằm trong khu vực làng Cỏ Ống nằm trên đường ra bãi Đầm Trầu ngay gần sân bay Côn Sơn, địa điểm luôn nằm trong chương trình trải nghiệm tâm linh Côn Đảo của khách thập phương. Đó là một nơi yên tĩnh, trong lành xung quanh có rất nhiều cây cối xanh tươi, phía trước miếu còn có hai con Bạch Mã canh giấc ngủ cho Cậu.
Miếu Cậu không lớn, chỉ là gian thờ khoảng hơn 10m2, nhưng lại rất linh thiêng. Ngay phía sau miếu là mộ của Cậu, Cậu mất khi mới lên 5 tuổi. Theo quan niệm dân gian, những người mất trẻ là những người chưa được trải nhiều về cuộc sống con người, do đó họ rất thiêng. Bởi vậy, khi đến miếu thắp nhang, khách thăm quan giữ cho mình một cái tâm sáng cùng với một sự thành khẩn sẽ được Cậu phù hộ cầu gì được nấy.
Truyền thuyết miếu Cậu
Những người dân trên đảo kể lại, vào cuối mùa Thu năm 1783, chiến tranh với quân Tây Sơn thất bại, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng gồm khoảng 100 gia đình phải chạy trốn ra Côn Đảo để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Tại đây, Ông đã lập lên 3 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống vẫn còn cho đến ngày nay.
Mong muốn xin viện binh từ Pháp để đánh lại quân Tây Sơn nên ông đưa hoàng tử Hội An ( hoàng tử Cải ) tháp tùng cùng viên quan người Pháp tên Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yến ngỏ lời can ngăn Nguyễn Ánh: “ Việc đánh nhau với quân Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được quân Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau… ”
Với điều can ấy mà chúa Nguyễn Ánh đã nổi trận lôi đình, nghi bà Phi Yến có thông đồng với quân Tây Sơn từ trước, nên hô quân bắt chém. Nhưng may mắn được các quan cận thần hết lời xin ngăn cho bà thoát tội chết. Tuy nhiên, chúa Nguyễn Ánh vẫn bắt giam cầm bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang nằm về phía Tây Nam của quần đảo Côn Lôn ( Hòn Bà ngày nay hay còn gọi đảo Côn Sơn nhỏ ).
Truyền lệnh giam cầm bà Phi Yến xong thì Nguyễn Ánh được tin quân Tây Sơn sắp truy đuổi đến đảo, ông liền cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền bỏ chạy. Hoàng tử Cải - đứa con duy nhất của bà Phi Yến cùng với chúa Nguyễn Ánh không chịu đi theo mà khóc đòi mẹ. Trong lúc tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biễn, xác hoàng tử cải trôi tấp vào làng Cỏ Ống. Dân làng Cỏ Ống thấy vậy liền cùng nhau mang xác Cậu về chôn giữa một cánh rừng gần bãi Đầm Trầu. Thậm chí họ còn xây cho cậu một khu miếu thờ, hàng ngày đến thắp hương, hoa cho Cậu. Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đứng rất lâu trước mộ con và khóc, tình cảnh thật thương tâm. Dân làng cám cảnh, họ hát ví:
“ Gió đưa cây Cải về trời, Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay ”
(Cải là tên húy của hoàng tử, Răm là tên húy của bà Phi Yến)
Và người dân tại Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng như thế!
Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời của bà Phi Yến không dừng lại ở đó. Người dân Côn Đảo kể rằng, sau khi xây mồ cho hoàng tử Cải, bà Phi Yến vẫn ở vậy. Cho đến một hôm, làng An Hải có cuộc đàn chay rất lớn và ban hội tề làng An Hải đã cử một bô lão cùng 4 dân phu đến tận làng Cỏ Ống để thỉnh bà về. Bà Phi Yến được bố trí nghỉ ngơi trong một gian phòng đặc biệt.
Trước nhan sắc tuyệt trần và tươi thắm của bà, tên đồ tể của làng An Hải là Biện Thi đã không ngăn nổi lửa lòng tà dục, dẫn đến làm liều. Chờ lúc bà đang ngon giấc, Biện Thi giả say rồi lén chui vào phòng bà. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà Phi Yến giật mình thức dậy và tri hô cho dân làng tóm cổ. Tủi nhục, dù tên đồ tể Biện Thi chỉ mới động đến cánh tay, bà Phi Yến đã tự chặt đứt cánh tay rồi sau đó liều mình tự vẫn để vẹn toàn danh tiết.
Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự chí hiếu của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng. Họ xây dựng và chăm chút cho miếu Bà (tức Bà Phi Yến), miếu Cậu (tức hoàng tử Cải) với nhang khói và những chuyến viếng thăm thường xuyên.
Ngày giỗ của Hoàng tử Cải
Được biết vào những ngày rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10 (Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên,) bà con nhân nhân Côn Đảo đều tổ chức cúng Bà và cúng Cậu vào ngày 19 âm lịch.
Dâng lễ tại miếu Cậu
Người dân trên đảo truyền lại rằng Cậu là người con có hiếu, lúc nào cũng mong muốn điểu tốt đẹp cho mọi người để không rơi vào nỗi bất hạnh như Cậu. Nên bất kỳ ai thành tâm đến xin Cậu cho gia đình sức khỏe dồi dào, vạn sự may mắn thì chắc chắn sẽ được Cậu phù hộ.
Trong hành trình đi lễ tại Côn Đảo, đến thăm miếu Cậu thắp nén hương thành tâm tưởng nhớ đến một người con hiếu thảo và xin những điều tốt lành đến cho gia đình mình là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Không chỉ vậy, Lữ khách đi thăm quan Côn Đảo sẽ được nghe người trông coi miếu Cậu kể câu chuyện về Cậu rất xúc động và còn được mách nhỏ cách chữa bệnh đau khớp bằng cách đi vòng qua 2 con ngựa bạch trước miếu Cậu, nam 7 vòng, nữ 9 vòng.