Bà Nguyễn Diệu Thúy, quản lý chương trình Bảo tồn các nguồn lợi thủy sản của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam cho biết, trước đây rùa biển được phân bố hầu hết trên các vùng biển của nước ta với mật độ cao. Nhìn vào hộp thông tin về các loài rùa biển, chúng ta có thể thấy hiện nay cả năm loài rùa biển của Việt Nam đều suy giảm đáng kể về số lượng.
Bà Nguyễn Diệu Thúy, quản lý chương trình Bảo tồn các nguồn lợi thủy sản của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam cho biết, trước đây rùa biển được phân bố hầu hết trên các vùng biển của nước ta với mật độ cao. Nhìn vào hộp thông tin về các loài rùa biển, chúng ta có thể thấy hiện nay cả năm loài rùa biển của Việt Nam đều suy giảm đáng kể về số lượng.
Việt Nam có quần thể rùa biển quý giá bao gồm năm loài. Nhưng WWF cho biết, hiện nay quần thể rùa này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác quá mức của con người, bên cạnh sự thay đổi của môi trường, đặc biệt trong khoảng bốn thập niên gần đây.
Việt Nam có năm trong số bảy loài rùa của thế giới gồm: rùa da, đồi mồi, quản đồng, vích và đồi mồi dứa. Nhưng đến nay, nhiều loài đã gần như tuyệt chủng.
Trong suốt thời gian từ năm 2008 đến 2013, chỉ ghi nhận được một cá thể rùa da lên đẻ trên bãi Cát Dài tại huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) và Hải Lăng (Quảng Trị) vào năm 2013. Tại các địa phương khác đã từng có rùa da lên đẻ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... hoàn toàn không còn dấu vết của rùa da lên bờ làm tổ đẻ trứng.
Cũng trong thời gian từ năm 2008 đến 2013, không còn ghi nhận được bất kỳ cá thể đồi mồi nào lên làm tổ tại các bãi biển của Việt Nam. Các khu vực như Côn Đảo, Cát Bà hoàn toàn không còn loài này lên đẻ trứng từ những năm 2000.
Không có thông tin chính thức về số lượng quần thể quản đồng làm tổ ở Việt Nam, qua các khảo sát đã kết luận Quản Đồng dường như không sinh sản tại Việt Nam từ những năm 1970 (Nguyễn Trường Giang, 2008). Tuy nhiên quản đồng vẫn bị bắt gặp trong quá trình ngư dân khai thác trên biển. Đây là những cá thể sinh sản từ các nước khác trong khu vực.
Rùa xanh (vích) từng phân bố rất rộng, ở hầu hết các vùng biển của Việt Nam. Theo ước đoán, trước thập niên 1970 có khoảng 700 rùa mẹ làm tổ hàng năm, con số này hiện nay giảm xuống còn khoảng 300 con lên đẻ tại bảy khu vực với số lượng trên toàn bộ vùng ven bờ là khu vực Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Chúa (Ninh Thuận), Bái Tử Long và Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh), Hòn Cau (Bình Thuận), Hòn Khô – Hải Giang (Bình Định), Hải Lăng (Quảng Trị) và Hòn Cao Cát (Kiên Giang).
Vào đầu thế kỷ 20, đồi mồi dứa có số lượng nhiều nhất Việt Nam.Tuy nhiên đây cũng là loài bị khai thác nhiều để làm thức ăn. Hiện tại, khu vực bán đảo Sơn Trà đã hoàn toàn không còn dấu vết của Đồi mồi dứa, đặc biệt là sau khi xây dựng con đường chạy xung quanh đảo và các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên các bãi cát chính của bán đảo như bãi Nam, bãi Tre... Đồi mồi chỉ còn được phát hiện tại một số bãi biển không có người sinh sống như hòn Nứt Đất (Quảng Ninh) và bãi biển thuộc tỉnh Quảng Trị, với số lượng rất nhỏ.
Theo bà Thúy, rùa biển hiện đang là nạn nhân của rất nhiều hoạt động của con người, từ việc đánh bắt ngẫu nhiên khi rùa biển vô tình lọt vào lưới và các phương tiện đánh bắt hải sản của người dân, cho đến các hoạt động đánh bắt chủ yếu mang tính chất hủy diệt. Từ việc người dân xả rác thải ra biển làm rùa nhầm với thức ăn, nuốt phải dẫn đến cái chết, cho đến các hoạt động phát triển quy mô lớn của con người như xây dựng kè chống xói mòn, các công trình ven biển, khai thác cát ở quy mô tận kiệt làm mất các bãi đẻ. Thậm chí ánh sáng nhân tạo từ các khu thăm quan ven biển cũng gây tác động lớn đến các hoạt động đẻ trứng, di chuyển và kiếm ăn của rùa biển.
Từ những năm 1990, WWF-Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các biện pháp bảo vệ rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo. Việc bảo tồn rùa biển và bãi đẻ của rùa tại Côn Đảo đã đạt được thành công trong việc bảo đảm tỷ lệ nở cao và tình trạng tốt của các bãi đẻ cũng như các sinh cảnh sống gần bờ của rùa biển. Trong năm 2008-2009, WWF cùng với Vườn quốc gia Côn Đảo triển khai hệ thống gắn thiết bị vệ tinh theo dõi đường di cư của rùa biển từ Côn Đảo. Vườn quốc gia Côn Đảo đã trở thành một phòng thí nghiệm sống cho các khu vực bờ biển khác có rùa đẻ tại Việt Nam.
Từ năm 2007-2009, WWF đã phối hợp với Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng khu bảo tồn biển Côn Đảo (MPA). Các khu bảo tồn biển là một công cụ hiệu quả để bảo vệ rùa biển và môi trường sống của chúng. Đến nay, Côn Đảo là nơi duy nhất ở Việt Nam rùa biển vẫn đến để làm tổ và số lượng rùa trở lại hàng năm được duy trì.
Bà Nguyễn Diệu Thúy kêu gọi người dân hãy từ chối việc ăn và sử dụng các sản phẩm từ rùa biển nói riêng, động vật hoang dã nói chung, góp phần giảm cầu, mà không có cầu thì sẽ không có cung.
theo BaoNhanDan.